BIA TRƯỜNG SA HOÀNG SA – MEN SAY BIỂN ĐẢO

Nhà báo Ngọc Diệp

Cho ra đời một loại bia mang tên hai quần đảo thân yêu của Tổ Quốc nơi đầu sóng ngọn gió, những người chủ thương hiệu bia Trường Sa Hoàng Sa không chỉ muốn lan tỏa cảm xúc thiêng liêng về chủ quyền đến thật gần gũi với mọi người, mà còn mong muốn trích một phần lợi nhuận để ủng hộ cho các chiến sĩ hải quân đang công tác ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

“Bia Hoàng Sa Trường Sa ra đời, tôi rất vui vì đó là cái tên mang ý nghĩa về lãnh thổ, về Tổ quốc, là tình yêu, là niềm tự hào của tất cả người Việt Nam nói chung trong đó có tôi”, Đại tá Lê Nam Sơn, Phó Lữ đoàn Trưởng, Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nói. “Sản phẩm mang tên Trường Sa Hoàng Sa luôn luôn gần gũi, thân thiết với người Việt hàng ngày, khi dùng sản phẩm đó sẽ góp phần lan toả tên hai quần đảo của chúng ta ở khắp mọi nơi”.

Đại tá Lê Nam Sơn cho rằng, việc lấy tên địa danh đất nước đặt cho sản phẩm của doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật  và được cơ quan quản lý cấp phép. Ông dự đoán, nếu sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia thì cái tên Hoàng Sa, Trường Sa sẽ có giá trị rất lớn. “Có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia sẽ đem đến nhiều cái lợi cho cả doanh nghiệp và đất nước”, ông kỳ vọng. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, người dân được sống thịnh vượng, an vui.

                                                            Trung tướng Trần Hoài Trung- chính ủy Hải quân

                               và Đại tá Lê Nam Sơn chụp hình lưu niệm tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa

Tình yêu đất nước có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Như cách nói của ông Hải, người đã từng là giám đốc sản xuất của bia Trường Sa Hoàng Sa tại nhà máy bia Revolution Brewing, không chỉ bằng một thương hiệu bia hay việc làm đối tác của hải quân, cảnh sát biển. Ông kể rằng, từ nhỏ đến lớn ông luôn luôn nghĩ về biển đảo. Cha của ông là một người lính hải quân được đào tạo ở Mỹ và sau năm 1975 ông đã ở lại Việt Nam, giúp quân đội Việt Nam đào tạo, huấn luyện sử dụng các phương tiện hải quân do chính quyền Việt Nam Cộng hòa để lại. “Cha tôi thường xuyên giáo dục tôi là đất nước đã thay đổi, tương lai của con chính là Tổ quốc bây giờ của con, là chính quyền của con cho nên con phải tôn trọng, tuân thủ và phải bảo vệ tổ quốc, ba tôi đã huấn luyện tình yêu đất nước từ nhỏ cho tôi”, ông Hải nói.

Quay trở lại với câu chuyện bia Hoàng Sa Trường Sa, ông Hải cho biết nhiều nhà phân phối ở một số nước đã đàm phán để đưa bia này ra nước ngoài, kể cả đưa sang Hồng Kông (Trung Quốc). Đó cũng chính là mong muốn của ông Hải và những người chủ ở RVB là lan tỏa cái tên Trường Sa Hoàng Sa ra nước ngoài để tăng cường nhận thức về chủ quyền của Việt Nam. “Người tiêu dùng đã khuyến khích đưa thêm dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” lên nhãn bia, và các lãnh đạo Hải quân cũng góp ý nên đưa dòng chữ này bằng tiếng Anh, hướng đến mục tiêu xuất khẩu càng nhiều càng tốt”.

Được cầm một ly bia mang tên biển đảo Việt Nam trong bối cảnh bình yên của đất nước, đó cũng là cách để người tiêu dùng càng thấm thía thêm sự hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ lãnh hải biên cương. Đại tá Lê Nam Sơn người đã hơn 30 năm công tác và chiến đấu xây dựng, bảo vệ Trường Sa chia sẻ kỳ vọng về sản phẩm bia Trường Sa, Hoàng Sa. Tên bia không chỉ là một thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu quê hương biển đảo mà còn là một gợi ý để mọi người chú ý Việt Nam là quốc gia đại dương, tiềm năng  phát triển kinh tế biển là vô tận, từ du lịch, giao thông, năng lượng, du lịch biển… vừa đem lại nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền đất nước. Bia Trường Sa Hoàng Sa không đơn giản chỉ là bia.

Ngọc Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *